72 giờ với Steam Deck: Thỏa mãn cho việc chơi game PC ở mọi nơi

72 giờ với Steam Deck: Thỏa mãn cho việc chơi game PC ở mọi nơi

72 giờ với Steam Deck: Không hoàn hảo nhưng thoả mãn cho việc chơi game PC ở mọi nơi

Steam Deck, một chiếc PC di động, một cách để anh em có thể chiến game PC khi đang ngồi trên xe, khi ở ngoài công viên, khi ở quán cafe...Kể từ khi Steam Deck xuất hiện thì mình đã có nhiều thắc mắc lẫn hoài nghi về chiếc máy chơi game cầm tay này. Bây giờ đã có nó ở đây và sau 72 giờ trải nghiệm Steam Deck mình đã có câu trả lời cho mình, mình sẽ chia sẻ với anh em trong bài này


Có một loạt thắc mắc mà mình vẫn đặt câu hỏi cho Steam Deck đó là: Chơi game có ngon không? Có nóng không? Màn hình ra sao? Không có chuột với bàn phím thì chơi kiểu gì? Thời lượng pin thế nào và nó có thể thay thế laptop gaming hay không? Có đáng mua không? Từng câu hỏi một mà mình nghĩ rằng không chỉ bản thân mình mà nhiều anh em cũng sẽ thắc mắc và mình sẽ trả lời hết.

Chơi game ngon không? Linux nhưng chơi game Windows sẽ như thế nào?

[​IMG]

Mình chơi qua các tựa game: Road Redemption, Shadow of the tomb Raider, God of War, GTA V và các tựa game đó đều thể hiện tốt trên Steam Deck, với mức cấu hình low. Giá của Steam Deck bản base (64GB eMMC) chỉ có 399 USD và với những con số FPS ở trên thì không thể đòi hỏi hơn được nữa. Vấn đề là mình không nghĩ một ngày mình có thể chơi Shadow of the tomb Raider hay Road Redemption ở trên xe bus, ở ngoài công viên hay bất cứ chỗ nào mà mình muốn. Những tựa game PC đó một là anh em phải có một cỗ máy siêu mạnh để chơi ở độ phân giải QHD, 4K max settings hay một chiếc laptop gaming mức giá trên 1000 USD để chơi ở FHD nhưng so với một chiếc Steam Deck, những con số FPS kia và mức giá so với một chiếc laptop gaming và tính cơ động thì Steam Deck thể hiện quá tuyệt vời.
trainghiem_steamdeck_tinhte7.jpg

Steam Deck được build trên Linux, chạy Steam OS và dĩ nhiên để chơi được game Windows thì anh em cần một trình biên dịch gọi là Proton, nó sẽ đóng vai trò cầu nối để những tựa game trên Windows có thể chạy được trên Linux, Proton sẽ được cài đặt 1 lần duy nhất, sau đó anh em chỉ việc download game và bấm play thôi. Cũng vì phải qua một trình biên dịch nên những tựa game trên Steam Deck có dung lượng khá lớn, vì nó bao gồm cả những tài nguyên khác để phục vụ quá trình biên dịch và thích ứng với môi trường không phải Windows. Một vài người dùng Steam Deck trên YouTube và Reddit mình tham khảo được khi cài đặt Windows vào Steam Deck sẽ không ổn định, driver sẽ bị thiếu và hoạt động chập chờn.

Về các tựa game trên Steam, anh em có thể kiểm tra nhanh về vấn đề tương thích với Steam Deck một cách dễ dàng, có một số tựa game chưa được kiểm chứng, được gắn nhãn UnSupported nhưng mình vẫn có thể chơi bình thường (Street Fighter V). Còn rất nhiều tựa game trên Steam mình không thể test hết được để kiểm tra game nào không tương thích, anh em có thể kiểm tra tại đây.

Ở phiên bản thấp nhất, bộ nhớ trong của máy chỉ là 64GB eMMC mà thôi, và với 64GB đó anh em sẽ không thể cài đặt được nhiều game và khởi chạy một cách nhanh chóng. Nâng cấp bộ nhớ là điều gần như bắt buộc. May mắn là Steam Deck có hỗ trợ khe thẻ microSD và anh em có thể cài đặt game lên thẻ và chơi, dĩ nhiên muốn tốc độ cao anh em phải chọn thẻ xịn.

Hoặc nếu anh em muốn nâng cấp SSD thì cũng có thể nâng được, Steam Deck sử dụng SSD M.2 chuẩn 2230 cũng không phải là dạng quá hiếm, anh em có thể tham khảo bài nâng cấp của anh Pro-K, cũng là người cho mình mượn chiếc Steam Deck này chia sẻ với anh em.

Chơi game trên Steam Deck có nóng không?

trainghiem_steamdeck_tinhte11.jpg

Nhiệt độ trung bình khi chơi trên Steam Deck là 87 độ C cho GPU và 85 độ C cho CPU, nếu chơi ở những môi trường nóng hơn thì dĩ nhiên nhiệt độ cũng sẽ cao hơn, có khi lên đến 99 độ C cho cả CPU và GPU. Nhưng điều quan trọng là kể cả khi nhiệt độ lên cao thì thứ ảnh hưởng lớn nhất là thời lượng pin chứ không phải hiệu năng của máy. Viên pin của Steam Deck có thể cung cấp nguồn điện công suất lên đến hơn 20W khi chơi game, trong khi mình tháy cả CPU và GPU đều chỉ "ăn" khoảng từ 7-10W mà thôi, tức là viên pin vẫn có thể giúp anh em chơi ổn định và không bị drop FPS, cái này thì ăn đứt laptop gaming rồi.


trainghiem_steamdeck_tinhte3.jpg

Khe tản nhiệt cũng sẽ nằm ở vị trí mà không gây ảnh hưởng đến người chơi, hệ thống tản nhiệt 1 quạt và 1 ống đồng làm việc khá hiệu quả. Hiệu năng trên Steam Deck cũng ổn định là nhờ vào APU của AMD, trong đó phải kể đến GPU RDNA2 được AMD tích hợp.

Màn hình 720p thì chơi game có ngon không?

trainghiem_steamdeck_tinhte12.jpg

Steam Deck có màn hình 7" và độ phân giải 720p, với mình mức này là ổn để chơi, không thể đòi hỏi một màn hình FHD hay QHD vì nó sẽ tốn rất nhiều pin và cấu hình của Steam Deck lúc này cũng không thể gánh các tựa game ở độ phân giải đó. Có người cho rằng ok đây là sự đánh đổi nhưng cá nhân mình thấy thì đây là sự tính toán khôn ngoan của Valve và rõ ràng khi một người dùng chơi game bình thường như mình, 720p trên màn hình 7" thì không phải là vấn đề. Tóm lại là chơi vẫn rất cuốn.

trainghiem_steamdeck_tinhte2.jpg

Tuy vậy màn hình của Steam Deck không phải là hoàn hảo, nó chỉ hợp lý ở độ phân giải và kích thước mà thôi, còn chất lượng hiển thị thì Steam Deck chưa ngon, màn hình hơi đục, mờ và tất nhiên nó không nét căng, nó cũng sẽ không được sáng vì độ sáng peak chỉ khoảng 370 nits, cũng như nó sẽ khá chói khi chơi game ngoài trời nắng. Độ sáng không đủ cao làm cho Steam Deck bị khó nhìn. Valve có bán ra tuỳ chọn 512GB SSD với một chiếc màn hình có lớp phủ chống chói, mức giá lúc này sẽ xấp xỉ 700 USD và mình cũng không biết rằng liệu lớp phủ chống chói đó hiệu quả tới đâu. Phiên bản của mình là 64GB eMMC được nâng cấp lên SSD 512GB, không phải tuỳ chọn 512GB từ khi mua.

Một điểm nữa mà màn hình trên Steam Deck vẫn chưa thể hiện tốt, đó là cảm ứng. Mình cũng không hiểu vì sao Valve lại bổ sung màn hình cảm ứng cho chiếc máy này nhưng lại cho nó một độ nhạy thấp, mình phải miết mạnh hoặc nhấn mạnh lên màn hình thì nó mới ăn, nó không mượt như điện thoại được.

Không chuột, không bàn phím thì chơi game PC kiểu gì?

trainghiem_steamdeck_tinhte6.jpg

Anh em cũng biết rằng gần như mọi tựa game hiện tại trên PC đều sẽ tương tác và được chơi kèm với chuột và bàn phím, Steam Deck lại không có cả hai, vậy chơi làm sao được?

Câu trả lời cho bản thân mình là vẫn sẽ chơi được, nhưng sẽ không hoàn hảo. Một số tựa game như Shadow of the tomb Raider mình chơi thì không thể skip được vì nó được gán với phím space, mà Steam Deck thì làm gì có space, mình vào settings để tuỳ chọn lại nhưng cũng không được. Chưa kể khi vào game, một cửa sổ thông báo hiện lên cảnh báo mình rằng tựa game này chưa được tối ưu và có thể gặp những trải nghiệm không tốt khi chơi. Kết quả là hiệu năng thì không ảnh hưởng lắm nhưng thao tác và nút bấm ảnh hưởng kha khá.

trainghiem_steamdeck_tinhte10.jpg

Hệ thống nút trên Steam Deck là cực tốt và nó có trả trackpad để anh em sử dụng như chuột trên laptop, anh em có thể điều hướng được như thường, lướt web như Chrome chẳng hạn, vẫn ok vô tư. Phía mặt sau của máy cũng có thêm nút L4/L5 và R4/R5 nhưng khá khó bấm (chắc do tay mình cũng nhỏ). Nói chung gần như chúng ta có thể giải quyết được chuyện không có chuột và bàn phím khi chơi game PC, nhưng chỉ là với game AAA thôi, còn các tựa game esport thì không ngon.

Thời lượng pin thế nào?


Trung bình mình chơi đủ thể loại game với mức hiệu năng cao nhất, không giới hạn FPS, không hạ độ phân giải, không bật FSR thì máy có thể trụ được khoảng 2 tiếng. Còn nếu anh em giới hạn FPS ở 30, bật FSR và hạ độ phân giải khi chơi game từ 720p xuống 540p thì nó sẽ sử dụng được lâu hơn chút.

trainghiem_steamdeck_tinhte9.jpg

Vấn đề là không phải tựa game nào cũng chơi tốt ở 30 FPS và chơi game ở độ phân giải 540p không phải sự lựa chọn lâu dài. Cũng sẽ tuỳ vào tựa game mà anh em chơi mà sẽ cho thời lượng sử dụng pin khác nhau. Valve cho người dùng tuỳ chỉnh về mức FPS, về xung nhịp GPU, về điện năng tiêu thụ, về HRS (Half Rate Shading)...Tất cả để giúp cho Steam Deck có một thời lượng sử dụng pin tốt hơn, lâu hơn, việc thiết lập như thế nào sẽ tuỳ vào nhu cầu và sở thích của mỗi người.

Với mình 2 tiếng để chơi game liên tục không phải một con số ấn tượng, nhưng ví dụ ngồi toilet 30 phút, ngồi trên xe bus 45 phút mà vẫn chơi được GTA, vẫn chơi được God of War thì không phải là điều tuyệt vời nhất của Steam Deck hay sao?

Steam Deck có đáng mua hay không?


Sau 72 giờ trải nghiệm Steam Deck, với mình, đây không phải là một chiếc máy chơi game cầm tay hoàn hảo, về pin có thể Nintendo Switch sẽ trâu hơn, về hiệu năng chưa thể bằng được PC hay laptop gaming, về tính cơ động thì thua đứt đuôi điện thoại? Nhưng nếu cho hỏi để chơi game PC khi đang ngồi trên xe hay máy bay thì sao? Xin thưa tất cả những chiếc máy kể trên không thể làm được trừ Steam Deck.

trainghiem_steamdeck_tinhte14.jpg

Steam Deck không hoàn hảo, nó vẫn còn nhiều thứ chưa ngon mà Valve sẽ phải khắc phục, nhưng đây sẽ là tương lai cho việc game PC có thể chơi ở bất cứ lúc nào, bất cứ đâu mà không cần phải lo về thiết bị. Steam Deck vẫn còn rất nhiều đất diễn và rất nhiều thứ có thể nâng cấp được và nếu Valve tạo được đà thuận lợi cho thế hệ đầu tiên này, thì Steam Deck sẽ là một thiết bị gần như không thể thiếu đối với mỗi game thủ (chưa kể cộng đồng trên Steam là rất lớn). Steam Deck không sinh ra dành cho tât cả mọi người, nó dành cho người thích chơi game PC, thích có những trải nghiệm mới lạ và thoả ước mơ: chơi GTA V khắp mọi nơi như mod @MinhTriND từng ao ước từ bé. Mức giá hiện tại của Steam Deck bản 64GB SSD ở Việt Nam chỉ còn 12 triệu, rõ ràng mức giá này đã thực sự hấp dẫn dành cho những anh em đam mê


Sản phẩm liên quan